tanbaolong2003
11-07-2012, 04:30 PM
NỒI LÁ XÔNG CỦA MẸ
(Nguyễn Thành Giang)
Cho đến bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi đi nắng về bị cảm, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nồi lá xông của mẹ. Bao năm tháng đã đi qua nhưng những nắm lá tự tay mẹ hái, nồi nước xông tự tay mẹ nấu, hơi nóng như có thêm tình yêu thương, sự lo lắng của mẹ vẫn luôn luôn đi theo tôi
Tôi còn nhớ những ngày còn nhỏ, tôi còi cọc, hay đau hay ốm lắm. Một tháng bị cảm cũng bốn năm lần. Nhất là những ngày hè, mặc sức mà chạy nhảy ngoài nắng, và bị cảm. Mẹ bỏ tất cả việc nhà, việc chợ búa lại đó, tất tả chạy quanh vườn tìm lá, hái và nấu nước xông cho tôi. Cũng đơn giản thôi, cũng chỉ nắm lá chanh, lá ổi, lá tre..v..v.. vốn bình dị là vậy. Nhưng qua bàn tay mẹ, chúng trở thành một loại thuốc vô cùng hữu hiệu. Nghe mẹ nói thì hình như con trai phải nấu đủ 7 loại lá, con gái thì 9 loại mới khỏi bệnh được. Nhưng lúc nào tôi cũng tin điều mẹ nói là đúng
Nói thiệt, ngày đó, tôi sợ “bị xông” còn hơn là bị đòn nữa. Sợ nhưng cũng chạy nhảy, cũng phơi nắng để rồi đau, để rồi “bị xông” tiếp. Nấu xong nồi nước xông, mẹ để xuống dưới gầm giường. Tôi thì ngồi ở trên giường, ngay trên gần miệng nồi, cúi mặt xuống để hít hơi nóng vào. Mẹ đậy cho tôi một tấm mền to thù lù rồi lấy đũa bếp xáo đi xáo lại cho nồi nước xông lên hơi đều. Được cỡ 5 phút, mẹ kéo mền ra, lau mồ hôi cho tôi rồi đậy lại. Mẹ bảo mồ hôi ra càng nhiều là càng nhẹ người, càng mau khỏi bệnh. Ba lần lau mồ hôi thế là xong. Mẹ đã múc sẵn một ca nước trong nồi, dặn tôi xông xong, nước nguội phải uống liền 3 búng mới có công hiệu. Chờ lúc mẹ đi rồi, tôi lén lén bưng đổ đi rồi nói : “Nước nứ ngọt thiêt!” để mẹ khỏi nghi ngờ
Vì sợ nóng nên khi mẹ vừa đậy mền lại, tôi từ từ lui mình ra càng xa miệng nồi nước xông càng tốt đồng thời giơ 2 tay về trước đội tấm mền lên như đang ở vị trí cũ. Vì tấm mền thì to mà tôi thì nhỏ nên nhiều khi mẹ không phát hiện ra. Chỉ đến khi lau mồ hôi, kiểm tra lại thấy chỉ có lấm tấm mấy giọt, có khi là không có giọt nào, mẹ mới biết là tôi đã “trốn”. Rút kinh nghiệm, những lần sau, mẹ để nồi nước xông ra giữa nhà, bắt tôi phải ngồi ngay cạnh nồi, dưới đất, trùm mền kín lại và tự tay mở nắp nồi từ từ ra xông. Mẹ ngồi ở ngoài canh chừng và lấy tay sờ chừng chừng xem tôi có nóng không là biết liền. Bởi vậy, có muốn trốn tới trốn lui cũng không được. Dần dần rồi quen đi
Mỗi lần bị cảm, mẹ thường xông cho tôi hai lần, sau đó cạo gió thêm nữa là thấy người đỡ hẳn. Ba tôi thì thường giục mẹ mua thuốc Tây về uống. Mẹ bảo : “Hồi tui với ông đau cảm cũng thuốc men chi đâu mà bày đặt! Xông rồi cào gió, nghĩ ngơi là khỏe. Thuốc Tây uống đâu có hết được như xông mà uống nhiều còn nguy hiểm nữa kia!”. Nói vậy thôi chứ mẹ vẫn chạy ra tiệm thuốc, mua liền cho tôi liều thuốc cảm uống kèm
Tôi lớn lên từng ngày dưới bàn tay nâng niu chăm sóc của mẹ. Biết bao đêm mẹ thức trắng canh cho tôi ngủ lúc ốm đau. Biết bao lần mẹ đã khóc khi tưởng chừng không thể giữ nổi tôi ở lại cuộc đời này trong cơn bạo bệnh. Rồi tất cả cứ trôi đi theo thời gian. Mẹ vực tôi dậy trước những giông bão cuộc đời, nâng tôi bước mạnh mẽ hơn trên con đường phía trước. Rồi những lúc bị cảm, mẹ vẫn tìm lá, vẫn nấu nước xông cho tôi như cái hồi còn phải “trốn” ấy. Có lẽ với nhiều người, đó là chuyện bình thường nhưng với tôi là một cái gì đó thiêng liêng lắm.
Nồi nước xông của mẹ là hội tụ những tinh túy của vườn nhà, hội tụ những lo lắng, tình thương yêu bao la của đấng sinh thành dành cho những đứa con thơ. Và tôi biết, mình thật hạnh phúc khi có một người mẹ tuyệt vời như vậy, thật hạnh phúc khi được hưởng những hơi nóng từ nồi nước xông của mẹ, niềm hạnh phúc không phải ai cũng may mắn có được.
( Nguyễn Thành Giang)
(Nguyễn Thành Giang)
Cho đến bây giờ, mỗi khi trái gió trở trời, mỗi khi đi nắng về bị cảm, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nồi lá xông của mẹ. Bao năm tháng đã đi qua nhưng những nắm lá tự tay mẹ hái, nồi nước xông tự tay mẹ nấu, hơi nóng như có thêm tình yêu thương, sự lo lắng của mẹ vẫn luôn luôn đi theo tôi
Tôi còn nhớ những ngày còn nhỏ, tôi còi cọc, hay đau hay ốm lắm. Một tháng bị cảm cũng bốn năm lần. Nhất là những ngày hè, mặc sức mà chạy nhảy ngoài nắng, và bị cảm. Mẹ bỏ tất cả việc nhà, việc chợ búa lại đó, tất tả chạy quanh vườn tìm lá, hái và nấu nước xông cho tôi. Cũng đơn giản thôi, cũng chỉ nắm lá chanh, lá ổi, lá tre..v..v.. vốn bình dị là vậy. Nhưng qua bàn tay mẹ, chúng trở thành một loại thuốc vô cùng hữu hiệu. Nghe mẹ nói thì hình như con trai phải nấu đủ 7 loại lá, con gái thì 9 loại mới khỏi bệnh được. Nhưng lúc nào tôi cũng tin điều mẹ nói là đúng
Nói thiệt, ngày đó, tôi sợ “bị xông” còn hơn là bị đòn nữa. Sợ nhưng cũng chạy nhảy, cũng phơi nắng để rồi đau, để rồi “bị xông” tiếp. Nấu xong nồi nước xông, mẹ để xuống dưới gầm giường. Tôi thì ngồi ở trên giường, ngay trên gần miệng nồi, cúi mặt xuống để hít hơi nóng vào. Mẹ đậy cho tôi một tấm mền to thù lù rồi lấy đũa bếp xáo đi xáo lại cho nồi nước xông lên hơi đều. Được cỡ 5 phút, mẹ kéo mền ra, lau mồ hôi cho tôi rồi đậy lại. Mẹ bảo mồ hôi ra càng nhiều là càng nhẹ người, càng mau khỏi bệnh. Ba lần lau mồ hôi thế là xong. Mẹ đã múc sẵn một ca nước trong nồi, dặn tôi xông xong, nước nguội phải uống liền 3 búng mới có công hiệu. Chờ lúc mẹ đi rồi, tôi lén lén bưng đổ đi rồi nói : “Nước nứ ngọt thiêt!” để mẹ khỏi nghi ngờ
Vì sợ nóng nên khi mẹ vừa đậy mền lại, tôi từ từ lui mình ra càng xa miệng nồi nước xông càng tốt đồng thời giơ 2 tay về trước đội tấm mền lên như đang ở vị trí cũ. Vì tấm mền thì to mà tôi thì nhỏ nên nhiều khi mẹ không phát hiện ra. Chỉ đến khi lau mồ hôi, kiểm tra lại thấy chỉ có lấm tấm mấy giọt, có khi là không có giọt nào, mẹ mới biết là tôi đã “trốn”. Rút kinh nghiệm, những lần sau, mẹ để nồi nước xông ra giữa nhà, bắt tôi phải ngồi ngay cạnh nồi, dưới đất, trùm mền kín lại và tự tay mở nắp nồi từ từ ra xông. Mẹ ngồi ở ngoài canh chừng và lấy tay sờ chừng chừng xem tôi có nóng không là biết liền. Bởi vậy, có muốn trốn tới trốn lui cũng không được. Dần dần rồi quen đi
Mỗi lần bị cảm, mẹ thường xông cho tôi hai lần, sau đó cạo gió thêm nữa là thấy người đỡ hẳn. Ba tôi thì thường giục mẹ mua thuốc Tây về uống. Mẹ bảo : “Hồi tui với ông đau cảm cũng thuốc men chi đâu mà bày đặt! Xông rồi cào gió, nghĩ ngơi là khỏe. Thuốc Tây uống đâu có hết được như xông mà uống nhiều còn nguy hiểm nữa kia!”. Nói vậy thôi chứ mẹ vẫn chạy ra tiệm thuốc, mua liền cho tôi liều thuốc cảm uống kèm
Tôi lớn lên từng ngày dưới bàn tay nâng niu chăm sóc của mẹ. Biết bao đêm mẹ thức trắng canh cho tôi ngủ lúc ốm đau. Biết bao lần mẹ đã khóc khi tưởng chừng không thể giữ nổi tôi ở lại cuộc đời này trong cơn bạo bệnh. Rồi tất cả cứ trôi đi theo thời gian. Mẹ vực tôi dậy trước những giông bão cuộc đời, nâng tôi bước mạnh mẽ hơn trên con đường phía trước. Rồi những lúc bị cảm, mẹ vẫn tìm lá, vẫn nấu nước xông cho tôi như cái hồi còn phải “trốn” ấy. Có lẽ với nhiều người, đó là chuyện bình thường nhưng với tôi là một cái gì đó thiêng liêng lắm.
Nồi nước xông của mẹ là hội tụ những tinh túy của vườn nhà, hội tụ những lo lắng, tình thương yêu bao la của đấng sinh thành dành cho những đứa con thơ. Và tôi biết, mình thật hạnh phúc khi có một người mẹ tuyệt vời như vậy, thật hạnh phúc khi được hưởng những hơi nóng từ nồi nước xông của mẹ, niềm hạnh phúc không phải ai cũng may mắn có được.
( Nguyễn Thành Giang)