PDA

View Full Version : Tự hào người mẹ vì dân tộc


daithanhxk
01-08-2012, 02:42 PM
Ký ức về mẹ Suốt anh hùng
12/01/2010 8:55


PN - Hình ảnh người mẹ "một tay lái chiếc đò ngang" đưa hàng ngàn chiến sĩ ta qua lại trên sông Bảo Ninh ngày nào vẫn tồn tại mãi trong tâm trí mỗi người con đất Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung. Mẹ ngã xuống đã hơn 40 năm nhưng ở đất Bảo Ninh, các thế hệ cháu con vẫn luôn lấy gương mẹ để soi rọi từng bước đi của mình.

http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/phamvu/wso4/kyuc1.jpg
Những ngày giáp Tết này, chúng tôi có dịp về lại miền đất "chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình". Dù chỉ được gặp mẹ qua những thước phim tài liệu, qua sách báo, nhưng ghé chợ Đồng Hới, chúng tôi bất chợt nhận ra ngay một người giống hệt mẹ... Đó là chị Trần Thị Huế, con gái thứ ba của mẹ Suốt (mẹ có bốn người con: Trần Thị Thái, Trần Thị Loan, chị Huế và người con trai út Trần Hùng). Chị Huế bán quầy mắm muối, dưa cà (tự tay chị làm) nổi tiếng ở chợ Đồng Hới. Chị tâm sự: "Tui may mắn có cơ duyên là mỗi ngày bán hàng ở ngôi chợ ngay cạnh tượng đài mẹ mình. Sáng đến sớm, chiều về muộn, ít nhất là ngày hai lần tui ngắm nhìn mẹ, nghĩ về mẹ...".
Tìm đến nhà anh Trần Hùng, chúng tôi được nghe lại ký ức về ngày mẹ hy sinh. Anh kể: "Hôm đó là ngày 21/8/1968, trên đường từ Hà Nội về, đến Quảng Bình, Tỉnh Đội cho xe đưa mạ tui ra bến đò Nhật Lệ. Hôm ấy, máy bay Mỹ ngừng hoạt động, tàu chiến của chúng từ biển cũng không bắn vào nên các đơn vị bộ đội được lệnh nhanh chóng vượt sông sang bờ Nam. Xuống đò, mạ giành chèo từ tay chị tôi: "Bữa ni mi chống nhiều, để mạ!".

http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/phamvu/wso4/kyuc3.jpg
Mỗi chiều, anh Trần Hùng - con trai út của mẹ Suốt lại về bên bia tưởng niệm
dựng lên từ chính bến đò của mẹ Suốt năm nào
Sang đến bến Bảo Ninh, mạ nói với chị: "Mạ về làng để biếu mấy bà, mấy ông trong xóm khăn mùi xoa, cho mấy cháu nhỏ vở, bút mực, rồi ra chống đò thay mi". Khi mạ đang đi trên triền cát thì có hai chiếc phản lực từ biển lao đến thả hai trái bom. Bom bi! Trái bom lớn nổ bung, vô số những trái bom con bắn ra, tiếng nổ lụp bụp dội lên. Khi mọi người chạy đến, mạ tui đã hy sinh, thân thể đẫm máu".
Đám tang mẹ được tổ chức ngay trong đêm tại thôn Trung Bính, không có hoa mà chỉ có những dòng người: dân làng, thương binh đang ở bệnh xá, bộ đội pháo phòng không bảo vệ bến đò và các chiến sĩ vừa được mẹ đưa qua đò... Nỗi đau và lòng căm thù giặc khiến ai cũng căm phẫn. Mấy hôm sau, bộ đội pháo cao xạ đã bắn cháy hai máy bay, dân quân vùng Quảng Bình bắn chìm một tàu chiến Mỹ, tất cả như những chiến công để trả thù cho mẹ.
Theo ông Trần Thanh Mai (đã ngoài 60 tuổi) là một trong ba người con vợ trước của ông Trần Bạo - chồng mẹ Suốt, mẹ không chỉ là người mẹ ngoan cường, mà còn là người mẹ đảm, chịu thương chịu khó, thương con chồng và con mình như một. "Mạ tuy là mẹ kế nhưng thương bọn tui như con ruột. Mạ là người cưng con, mát tay, nuôi con đứa nào cũng lớn nhanh, lội giỏi. Con cháu ngày nay noi gương mạ nên học hành khá tốt. Cháu chắt có mấy đứa vào đại học, có người là vận động viên thể thao"...

http://www.phunuonline.com.vn/2010/Picture/phamvu/wso4/kyuc2.jpg
Chị Trần Thị Huế – con gái thứ ba của mẹ Suốt
Không chỉ trong những năm chèo đò, mà khoảng trước đó, từ thuở thiếu thời, cô bé Suốt đã sớm chịu cảnh sống cực khổ. Ông Hồ Ngọc Diệp - một cán bộ lão thành ở Quảng Bình, từng là xã viên trong HTX đánh cá cùng ông Trần Bạo, nhớ lại: Năm 15 tuổi, mẹ Suốt đã phải đi ở đợ cho mấy nhà giàu ở bên kia thị xã Đồng Hới.
"Sau khi được tuyên dương Anh hùng, mẹ Suốt được gặp Bác Hồ, tham dự nhiều cuộc họp, tiếp xúc nhiều đoàn đại biểu... nhưng mẹ thấy không thể xa con đò, xa dòng sông Nhật Lệ. Với mẹ, chỉ có một ý nghĩ: "Mình sẽ xuống đò cầm lại mái chèo, thay cho các o dân quân lên bến để có thêm tay súng bắn máy bay giặc". Mẹ đã tìm gặp Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khi đó để đề đạt nguyện vọng của mình. Vừa được thỏa ước nguyện, vừa quay lại với dòng sông thì mẹ Suốt đã ra đi...
May mắn, trong những ngày này, tôi còn được gặp ông Lại Tấn Chuyên, người đã cùng chèo đò với mẹ Suốt trong những cơn "bão lửa" trên sông. Con đò ngang của mẹ khi đó là loại chở được khoảng 20 – 30 người, có hai người đưa đò, một người ngồi đầu mũi để chèo; một người ngồi sau cầm lái. Có lần, một phóng viên điện ảnh quân đội qua sông trên con đò ấy đã dựng một bộ phim phóng sự do Xưởng phim Quân đội nhân dân sản xuất tháng 12/1965 mang tựa đề Mỹ muốn chơi với lửa, Mỹ sẽ thiêu thân. Bộ phim đã được chiếu rộng rãi trong cả nước và trên thế giới lúc bấy giờ. Hình ảnh mẹ Suốt và ông Chuyên trên con đò lịch sử trong phóng sự trên từng một thời in đậm trong tâm trí nhiều người. Ngày nay, ông Chuyên vẫn thường qua lại bên tượng đài của mẹ Suốt, ôn lại thời niên thiếu chèo đò với mẹ, rất đỗi tự hào.