PDA

View Full Version : Bài học năm chữ


nhanaco
06-06-2013, 02:35 PM
Bài học năm chữ

Tôi học cấp I ở Trường Nguyễn Công Trứ, Qui Nhơn. Giáo viên phụ trách lớp 3 của chúng tôi là thầy Nguyễn Văn Trọng. Thầy có dáng dấp rất nghệ sĩ: ốm, cao, tóc bồng bềnh và ăn mặc chải chuốt, đi giày mũi nhọn. Thầy nói giọng miền Nam, đến trường trên một chiếc xe Solex đen tuyền. Phải nói thầy rất ấn tượng đối với lũ học trò chúng tôi ngày ấy.

Học trò trường tôi toàn là dân khu Hai, mà hồi đó nhắc tới dân ở đây ai cũng thấy ái ngại: nào là dân khu Hai ăn ở bừa bãi, hung dữ, hỗn hào; nào là dân khu Hai bài bạc… Bởi thế nên bài học đầu tiên của thầy chỉ xoay quanh chuyện này như: không được đánh giá bất cứ việc gì theo đám đông, muốn cho người khác nghĩ là gia đình mình tốt, nơi mình ở tốt thì chính mình phải ráng sống tốt đã… Và thầy kết luận trong năm chữ: “Phải có tính độc lập”. Một bài học ngẫm ra là quá cao so với nhận thức của chúng tôi thuở đó. Nhưng khi đã nếm trải mùi đời, đã sống với đủ mọi hạng người và lăn lộn khắp nơi, tôi mới nhận ra hết giá trị của bài học ngày ấy.

Những năm tháng đó, thành phố Qui Nhơn đầy người Mỹ. Gần trường chúng tôi có một doanh trại lính và cùng với doanh trại này là gái điếm và đầy rẫy tệ nạn. Ở đây thường xuất hiện cái cảnh người Mỹ ném kẹo, bán, chocolate… vào bất cứ nơi nào và lũ trẻ con chạy ùa đến xúm lại giành giựt nhau. Trong chuyện này, cùng với từ “cấm”, thầy nói thêm: “Người ta bố thí cho mình cái kiểu vậy mà không biết căm tức sao! Phải hiểu đó là hành động nhục nhã và nhất quyết không được bắt chước mấy đứa đó, nghe chưa?”.

Thầy còn dặn dò chúng tôi thêm nhiều lần, là phải “luôn tự nhắc nhở mình”, và làm việc gì cũng “phải nghĩ tới hậu quả”. Những câu dặn dò năm chữ ấy, tôi đâu có ngờ mình đã phải sử dụng thường xuyên trong cuộc sống để khỏi sa ngã trước muôn vàn quyến rũ của cuộc đời – thêm nữa một bài học của thầy, tôi hãy còn nhớ. Nhớ với lòng tràn dâng sự biết ơn.

Tôi chỉ thích môn văn và học tốt môn này. Còn các môn khác tôi học như cho có vậy. Tôi dốt toán và quá lười học bài nên đâu có thầy cô nào chịu. Tôi bị la luôn, la từ lớp nhỏ cho tới lớp lớn. Tôi nhận ra chỉ có một người không la tôi. Người đó không ai khác hơn là thầy Trọng. Thầy chỉ nói với riêng tôi, không những một lần mà rất nhiều lần khi có thể: “Em giỏi văn thì sẽ có một nghề nào đó thích hợp để đi theo. Làm nghề y cũng tốt và viết lách cũng tốt chứ có sao đâu. Chỉ có điều những người mê văn thường sống xa rời thực tại, sẽ thiệt thòi nhiều. Thiệt thòi cũng đâu sao! Miễn là mình được sống như mình thích và phải biết chấp nhận tất cả để đeo đuổi sự ham thích ấy đến cùng. Phải nuôi dưỡng đam mê”. Một học sinh cấp một mà nghe những lời khuyên kiểu đó làm sao hiểu nổi! Thật may, tôi đã không quên và lại nhớ rất rõ năm từ sau cùng, nhờ vậy mà trong công việc đã bao phen an ủi, vỗ về được chính mình khi gặp phải những ngậm ngùi đắng cay.

Tôi ở trong nhóm hợp ca và thi thoảng cũng được thầy giao cho làm hoạt cảnh hay đóng kịch gì đó, nhưng không ngờ có lần được thầy chỉ định làm người dẫn chương trình – một công việc vẫn được các thầy cô trong trường thay phiên nhau đảm nhận. Thấy tôi quá lo lắng, băn khoăn, thầy liền hướng dẫn với chỉ năm từ gọn ghẽ và nhẹ tên: “Nhìn thẳng, không cúi mặt”.

Tôi hãy còn nhớ lần xuất hiện đầu tiên trước khán giả. Đêm ấy trường tôi diễn văn nghệ nhân dịp trung thu. Đã tới lúc mở màn mà tôi cứ đứng miết ở cánh gà, chần chừ, chần chừ mãi… Hai chân như có ai buộc chặt, không cách gì nhấc lên nổi. Thầy Trọng tới gần, không nói một câu nào, chỉ xoay mặt tôi ra phía trước, đặt hai tay lên vai tôi và đẩy nhẹ ra sân khấu.

Không thể dùng dằng thêm được nữa, nên theo đà thầy đẩy, tôi đành run rẩy bước tiếp và đứng lại ở một vị trí… nào đó. Tai tôi ù đặc nhưng tâm trí lại hiện rõ hai chữ: “Nhìn thẳng”. Vậy là tôi nhìn thẳng. Chợt thấy thầy hiệu truởng tôi giật mình cúi mặt, nhưng ngay lúc ấy giọng thầy Trọng như văng vẳng ở bên: “Không cúi mặt”. Thế là tôi ngước đầu và miệng tự nhiên mở, lời tự nhiên thốt ra: “Kính thưa…”. Nói được câu thứ nhất, cả người tôi như trút xong gánh nặng và sau đó mọi việc diễn ra hết sức trôi chảy.

Lần làm MC đầu tiên của tôi là như vậy đó, khi đang chín, mười tuổi và học lớp ba. Không tin nổi, cái nghiệp ấy cứ đeo cứng lấy tôi từ hồi đó cho mãi đến bây giờ, khi đã ngấp nghé tuổi năm mươi. Thật kỳ lạ! Tôi theo nghề một cách suôn sẻ với chỉ một bài học vỏn vẹn có năm chữ thầy cho ngày ấy.

Tôi không còn được gặp lại thầy sau khi rời trường cấp một. Nhớ thầy nhiều lúc rưng rưng, nhất là những năm sau này, thêm tuổi, thêm những ngẫm ngợi, thêm rất nhiều những khoảng chùng lòng… Những bài học luôn được gộp lại bằng năm chữ, thì chẳng cần tìm gặp ở đâu bởi nó luôn ở ngay đây thôi. Ngay giữa tâm hồn và vẫn được tôi ôn lại trong những trăn trở của cuộc sống, mỗi ngày.



HUYỀN MINH

festint
06-06-2013, 02:35 PM
học ĐH chán như con gián. về cấp 3 ko được nữa, đành phải đi tiếp ĐH. hix

dhcts
06-06-2013, 02:35 PM
thế học j là ko chán? :p

hailonghs
06-06-2013, 02:35 PM
học tán gái liệu có chán ko nhỉ? :D