Hay cằn nhằn, cáu gắt, giận hờn, khó chịu là những trạng thái dễ bắt gặp của người già. Dưới đây là dấu hiệu cho biết người già hay giận hờn, khó tính.
Ở độ tuổi từ 50 – 60 con người có nhiều chuyển biến quan trọng cả về thể chất lẫn tin h thần. Nếu bản thân người bước vào tuổi già nhận thức được đó là quy luật tất yếu của cuộc sống thì tâm lý họ khá ổn định. Nếu không chấp nhận quy luật vốn có ấy, những biến đổi về tâm lý, tình cảm sẽ xảy ra.
Nguyên nhân khác khiến người cao tuổi hay hờn giận, khó chịu là bởi trong quá trình già đi, có nhiều thay đổi về mặt cơ thể khiến họ dễ bất an, chẳng hạn như mắt kém đi, tai không còn nghe tốt như trước, răng đau, ăn uống kém ngon… Song song đó, tâm thần của họ cũng bị chuyển biến theo. Đó còn có thể do những tác động về mặt xã hội. Dễ thấy nhất là việc về hưu thường mang đến những hụt hẫng về tinh thần. Ngoài ra, phải kể đến những thay đổi trong gia đình như việc các con lập gia đình, đi học xa, người thân qua đời… Những việc đó tác động rất lớn đến tinh thần của người già, khiến họ không dễ lấy được cân bằng để sống vui vẻ.
Làm gì khi người già hay hờn giận?
Hiểu rõ tính tình người cao tuổi:
Người thân trong gia đình nên hiểu rõ những thay đổi trong tâm sinh lý của người cao tuổi. Nên chịu khó lắng nghe ông, bà và bỏ cách nghĩ kiểu như “ông bà già rồi, ông bà nói gì cũng mặc kệ, ta cứ làm theo cách của ta”. Điều này có thể gây tổn thương và khiến người cao tuổi cảm thấy không được xem trọng.
Con cháu càng xa lánh, giận dỗi, người già sẽ càng cảm thấy cô đơn và khó tính hơn. Chỉ cần một hành động nhỏ bất kính, thiếu tôn trọng của con cháu với người lớn tuổi trong gia đình sẽ khiến họ cảm thấy tủi thân và tăng thêm phần khó tính.
Nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi sao cho khoa học, hợp lý: Chú ý đến chế độ ăn uống, bệnh tật, tuyệt đối không bỏ bê các cụ. Gia đình phải hết sức quan tâm đến các vấn đề tâm sinh lý của người lớn tuổi trong nhà: Đừng ham mê công việc mà bỏ qua việc chăm sóc, lắng nghe tâm sự của các cụ.
Người già thích sum họp gia đình, vì vậy con cháu nên thường xuyên về thăm, tổ chức những buổi họp mặt gia đình. Một bữa cơm ấm cúng có đủ con cháu quây quần xung quanh, đầy ắp tình yêu thương sẽ làm cho người già vui vẻ và hạnh phúc.
Tạo môi trường sống thoải mái cho người cao tuổi: Nếu người già được sống trong một môi trường thoải mái, giàu tình yêu thương và vị tha thì tâm lý, tính cách họ cũng sẽ rộng lượng, dễ chịu hơn.
Khi về già, tính cách con người cũng thay đổi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Người già thường hay để ý và trở nên kỹ tính, vì cuộc sống bó hẹp trong gia đình nên suy nghĩ và tủi thân. Ngược lại, lớp trẻ năng động và luôn có xu hướng “hướng ngoại”. Họ có phong cách sống trẻ trung, nghĩ cũng “thoáng” hơn. Điều này gây nên những mâu thuẫn trong các gia đình có hai, ba thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà. Vì vậy, để người già “dễ tính” hơn, các thành viên trong gia đình cần ôn hòa, thoải mái, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn.