Có một công ty lớn muốn mở rộng quy mô kinh doanh nên quyết định tuyển người phụ trách kinh doanh với mức lương rất cao. Thông báo vừa được phát ra, hồ sơ ứng viên ùn ùn đổ về. Trong buổi phỏng vấn các ứng viên, người phụ trách tuyển dụng nói: - Rất hoan nghênh các bạn tham gia đợt tuyển nhân sự của chúng tôi. Để chọn ra người có đủ năng lực đảm trách nhiệm vụ quan trọng này, tôi có một đề thi chung như sau: “Các bạn hãy dùng kinh nghiệm và khả năng của mình để bán được nhiều nhất số lược chải đầu cho các hoà thượng”.
Nghe xong câu hỏi, tất cả các ứng viên đều ngạc nhiên. Nhiều người giễu cợt rằng: “Hoà thượng thì dùng lược làm gì cơ chứ, chả nhẽ mua lược về để ngắm!”. Thế rồi họ kéo nhau về, không cần tham gia đợt tuyển dụng đó nữa. Cuối cùng, cũng chỉ còn lại 3 người dám nhận nhiệm vụ đi bán lược cho sư và 10 ngày sau thông báo kết quả.
Thời hạn 10 ngày đã tới, người phụ trách tuyển dụng hỏi người thứ nhất: - Bạn bán được bao nhiêu chiếc? - 1 cái. – Ứng viên thứ nhất buồn bã trả lời. - Bạn đã bán như thế nào? - Tôi vất vả lắm mới bán được. Đi đến chùa nào, tôi cũng hỏi xem các vị hoà thượng trong chùa có nhu cầu mua lược không. Không những không bán được lược mà còn bị mắng là ngu dốt. May mà trên đường xuống núi, tôi có gặp một tiểu hoà thượng. Vị tiểu hoà thượng này vừa nằm phơi nắng vừa gãi đầu sồn sột. Vị tiểu hoà thượng hỏi tôi có biết cách nào làm cho da đầu đỡ ngứa hay không, tôi bèn đưa chiếc lược ra. Cầm lược chải lên da đầu, tiểu hòa thượng cảm thấy đỡ ngứa hơn hẳn nên đồng ý mua 1 cái.
Tới lượt người thứ hai: - Tôi bán được 10 cái. Tôi đã tìm đến một ngôi chùa lớn ở trên núi. Chùa ở trên núi cao, hút gió nên những người đi lễ khi leo được lên chùa thì đầu tóc rối bời. Biết được điểm này, tôi đi gặp vị hoà thượng chủ trì chùa và nói: “Sư phụ để các thí chủ vào lễ Phật với bộ dạng như thế thì quả thật là thất lễ, ít ra cũng nên để cho họ sửa sang đầu tóc gọn gàng rồi vào lễ Phật”. Cuối cùng, vị sư chủ trì đồng ý mua cho tôi 10 cái lược để những người đi lễ Phật chải đầu tóc gọn gàng trước khi vào lễ. Đến lượt người thứ ba, mọi người hết sức ngạc nhiên khi nghe anh ta nói:
- Tôi bán được 1.000 cái. Tôi cũng tìm đến một ngôi chùa lớn để bán lược. Ngôi chùa này cũng nằm trên một ngọn núi và người hành hương về đấy rất đông. Tôi đã đến gặp vị sư chủ trì và nói với ông: “Bẩm sư cụ, các thí chủ lên chùa lễ Phật đều có mong muốn tích thiện tích đức cho họ và con cháu, sao nhà chùa không gửi tặng họ những món quà lưu niệm mang ý nghĩa với mong muốn họ sẽ luôn làm việc thiện. Tôi có ý kiến như thế này, tôi có một lô lược chải đầu, nhà chùa có thể mua và khắc lên trên những chiếc lược ấy ba chữ: “Lược tích thiện” rồi tặng cho khách thập phương. Chiếc lược là vật không thể thiếu để mang bên mình. Mỗi khi họ nhìn thấy chiếc lược hay khi sử dụng nó đều nhìn thấy dòng chữ này, há phải họ luôn nhớ phải làm việc thiện hay sao? Hơn nữa, việc làm này của nhà chùa chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ từ khách thập phương. 1 đồn 10, 10 đồn trăm, người đến lễ chùa sẽ càng ngày càng đông, do đó người làm việc tốt cũng càng ngày càng tăng lên. Điều này cũng không phải là mong muốn tột bậc của người tu hành hay sao?”. Nghe tôi nói xong, vị chủ trì đồng ý mua tất cả số lược mà tôi mang theo, tổng cộng là 1000 cái.
Bán lược cho sư nghe có vẻ rất lạ thường, nhưng không phải không thể làm được. Với những tư duy khác nhau và với những cách bán hàng khác nhau, 3 ứng viên đó đã thu được những kết quả khác nhau. Ở những nơi tưởng chừng không thể buôn bán được nhưng người bán hàng thứ ba đã thành công. Cái khác biệt duy nhất giữa anh ta và các ứng viên khác là: Tin tưởng vào sự thành công ở những công việc tưởng chừng vô lý .
cái này hay đấy bạn. đúng là mỗi người có 1 tư duy khác nhau. ngày nay muốn thành đạt cao đều phải tìm ra những "khe hẹp" mà người khác chưa nghĩ ra được.