Các cô gái luôn tin vào điều kì diệu cho đến khi… họ không thể tin được nữa.
Thời điểm đó là khi nào, tôi không thể trả lời bạn vì đó là “lỗi” của truyện cổ tích, của phim truyền hình, của tiểu thuyết diễm tình và của cả tạo hóa. Nhưng có một điều tôi có thể dám chắc với bạn rằng, một khi còn tin thì họ sẽ còn háo hức với thứ cảm giác được đặt tên “hiệu ứng cánh bướm”.
Phụ nữ xung quanh tôi thích cảm giác đó. Họ kể cho tôi nghe những câu chuyện về “hiệu ứng cánh bướm” của mình. Ví dụ như một cô bạn tường thuật lại điểm bắt đầu với người chồng hiện tại thế này: “Chúng tôi đi chơi biển chung một nhóm bạn và buổi tối đã ngà ngà say. Chẳng suy nghĩ gì cả, tôi vẽ trong vô thức một con mèo đeo nơ lên khăn giấy. Thật tình cờ, tôi nhìn thấy anh ấy cũng đang vẽ. Tôi tiến lại gần xem và phát hiện ra anh cũng vẽ một con mèo giống y hệt như con của tôi. Không có lời giải thích nào cả nhưng vào ngay khoảnh khắc ấy, tôi biết anh chính là người đàn ông mình đang kiếm tìm. Chúng tôi hẹn hò rồi cưới nhau sau đấy”. Hay có một câu chuyện khác có nhiều tình tiết lãng mạn hơn: “Tôi bị hủy chuyến bay vì thời tiết xấu nên phải đón chuyến bay khác vào ngày hôm sau. Thế là được xếp ngồi cạnh một anh chàng điển trai lịch lãm độc thân. Khi máy bay cất cánh, tôi phát hiện ra chúng tôi đang đọc cùng một quyển sách. Khi gần đến nơi, máy bay chuẩn bị hạ cánh, tôi mới lấy đôi khuyên tai từ trong túi ra đeo thì anh bằng thái độ hết sức ngạc nhiên đã tiết lộ rằng hai ngày trước vừa mua một đôi giống hệt cho em gái. Sau đó, chúng tôi chào tạm biệt ở sân bay rồi mỗi người một ngả. Ấy vậy mà, ngay tối hôm đó, tôi lại gặp lại anh trong một quán cà phê ở trung tâm thành phố. Và tối đó chính là duyên phận”.
Những chuyện ngẫu nhiên xảy ra thường ngày xung quanh chúng ta. Nhưng trong tình yêu, phụ nữ lại luôn tin rằng đó là những điều kì diệu tươi đẹp. Khi chúng đến một cách tình cờ, chúng sẽ rung lên hồi chuông tình ái vốn đang yên ắng trong tim mỗi người. Thế là ai cũng khao khát, cũng ước ao. Bởi chỉ có những điều kì diệu mới có khả năng khiến bạn hiểu thế nào là “luồng điện chạy dọc sống lưng”, thế nào là “tim đập loạn nhịp” thế nào là “phát cuồng phát dại vì nhớ nhung”, thế nào là “nhắm mắt cũng nghĩ đến mà mở mắt cũng mơ về”…
Tôi đã nghĩ rất nhiều về điều này khi bắt đầu hẹn hò với một người đàn ông khá ổn. Anh ấy là người nhìn chung không chê vào đâu được. Ngoại hình dễ coi, nghề nghiệp ổn định, mạnh khỏe, chín chắn, quan tâm, chừng mực. Tuy nhiên, dù anh ấy có đối xử với tôi tốt đến mấy, tôi vẫn chưa bao giờ có được cảm giác “hiệu ứng cánh bướm” với anh. Khi tôi chia tay, tất cả mọi người xung quanh đều nghĩ tôi không bình thường, vớ vẩn, dở hơi nhưng thực lòng mình tôi không thể tiếp tục một mối quan hệ mà mình không có chút hứng khởi nào cả. Tôi tự đặt cho mình hàng trăm câu hỏi tại sao, như thế nào, mình có thật là bất bình thường hay không. Và không tài nào tìm ra câu trả lời thích đáng.
Hãy chọn người đàn ông yêu mình, đừng chọn người đàn ông mình yêu (Ảnh minh họa)
Đó là năm tôi hai mươi hai tuổi. Tuổi trẻ cùng những điều cổ tích nhiệm màu. Bây giờ, khi ít nhiều sóng gió tình cảm đã qua, tôi nhận ra rất nhiều người đã chung sống với nhau thật lâu không phải nhờ vào tình yêu (hiển nhiên là vẫn có những người yêu nhau) mà bởi giữa họ có một sự gắn kết vô hình về thói quen, sự thấu hiểu chia sẻ cùng với trách nhiệm mà mỗi người dành cho mối quan hệ đó. Tiến sĩ tâm lý học Joseph Rhinewine, tác giả của nhiều cuốn sách về hành xử trong các mối quan hệ, đã từng phân tích rằng “hiệu ứng cánh bướm” thường xuất hiện ở những người mà chúng ta ít trông chờ nhất, và nó càng mạnh mẽ khi ham muốn được biết rõ tình cảm của đối phương dành cho mình lên cao. Đồng thời, “hiệu ứng cánh bướm” cũng là thứ dễ khiến ta thất vọng bởi đối phương không như là ta tưởng tượng trong cơn “cuồng yêu” của mình. Mặt khác sự bền vững của bất kì mối quan hệ nào cũng không phát triển dựa trên cảm giác lâng lâng này bởi nó sẽ thoái trào rất nhanh. Giống như người ta vẫn nói “tình yêu không bao giờ tồn tại mãi mãi”. Thực chất là để ám chỉ “hiệu ứng cánh bướm” không bao giờ tồn tại mãi mãi thì đúng hơn.
Vậy bạn có nghĩ một mối quan hệ thiếu những điều “kích thích” thì đáng chán hay không? Vào một số thời điểm, tôi nghĩ là có. Vào một số thời điểm khác, tôi tin bạn sẽ trả lời không. Bởi rốt cuộc người phụ nữ nào cũng mong muốn một cuộc sống tình cảm ổn định, chân thành. Họ sẽ không che giấu ước mơ về những điều lãng mạn kì diệu của mình, nhưng nếu phải chọn, tôi dám chắc phụ nữ sẽ chọn phương án bền vững lâu dài. Tôi biết có những người sẽ lựa chọn người bạn đời của mình theo tiêu chí “truyền miệng”: “Hãy chọn người đàn ông yêu mình chứ đừng chọn người mình yêu. Vì chỉ cần bạn tin, tình yêu sẽ đến!”. Tôi thấy cũng không phải là không có lý. Bởi nếu bạn thỏa hiệp tốt, nếu bạn chấp nhận và trân trọng những gì mình có thì người đàn ông yêu bạn sẽ luôn cố gắng không làm tổn thương bạn. Như bao nhiêu phân tích đã đưa ra rồi đấy, “hiệu ứng cánh bướm” chưa bao giờ là nhân tố quan trọng cho các mối quan hệ lâu dài hết cả.
Thế nên, câu hỏi lại rơi vào bạn. Hãy bỏ qua tiểu thuyết, phim truyền hình nhiều tập, truyện cổ tích lung linh! Hãy bỏ qua hết để tự hỏi mình câu hỏi liệu bạn có thể sống với một mối quan hệ mà bạn sẽ không có thứ cảm giác “nôn nao, rộn rã nơi lồng ngực” hay không? Liệu bạn có tin rằng cuối cùng tình yêu, sẽ đến nếu chúng ta biết chấp nhận tình cảm của đối phương trước hay không? Liệu bạn có đủ dũng khí và sự tự tin để xây dựng tương lai với một người mà bạn “nghĩ” là tốt với cuộc đời bạn chứ không phải là “cảm” thấy không thể thiếu hay không? Nếu bạn có thể trả lời được hết mọi câu hỏi đó. Tôi tin, chúng ta không nhất thiết phải có “hiệu ứng cánh bướm” để được hạnh phúc!