Ngày xưa, người thầy thuốc nào khi tốt nghiệp đều phải thề lời thề Hippocrate. Ngày đó, y đức là một môn học giống như môn chính trị ngày nay. Bây giờ tiếc thay không còn được như thế nữa.
Lương tâm thầy thuốc không phải là một sản phẩm tách biệt với quan niệm đạo đức trong xã hội. Nó hình thành trong bối cảnh xã hội, vừa mang tính đặc thù của nghề nghiệp, vừa mang tính chung của một nền kinh tế nặng tính chất trao đổi hàng hóa.
Chúng ta sẽ không lấy làm lạ khi có một số thầy thuốc tìm mọi cách luồn lọt vào những bệnh viện đầu ngành bằng những số tiền hối lộ, rồi sau đó tìm cách “thu hoạch” cả vốn lẫn lời trên sự bất hạnh của những bệnh nhân chẳng may đến với họ. Người sa ngã tự bào chữa bằng lý luận “cần thu hồi vốn đầu tư” và thản nhiên đút túi những phong bì gọi là nhỏ nhoi. Nó nhỏ nhoi thật so với một vị bác sĩ, nhưng đối với những bệnh nhân nghèo, đó có thể là đôi bông cưới cuối cùng, có thể là tiền bán máu của người vợ, người chồng, là tiền học phí vào đại học của người con đành nhìn tương lai mình khép lại.
Ngày xưa, người thầy thuốc ngoài kiến thức còn phải học tính khiêm tốn, tôn trọng đồng nghiệp, yêu người, yêu nghề. Phải lấy gương những người thầy thuốc Đông Tây như Hippocrate, Hải thượng Lãn Ông... làm ánh sáng soi đường. Bác sĩ Ignacio Chavez từng nói một câu có thể làm châm ngôn cho những người trong ngành Y mọi thời đại: “Thầy thuốc là một con người cúi xuống một con người khác, có gì cho nấy, đem lại một chút khoa học nhưng thật nhiều tình thương”.
Khoa học càng tiến bộ thì khoảng cách giữa những con người với nhau càng lúc càng xa. Trong khi, người bệnh thời đại nào cũng vậy, nhất là các bệnh nan y, cái họ cần nhất là sự tận tâm, lòng yêu thương của thầy thuốc rồi mới đến các kỹ thuật khoa học. Con người đối với con người phải có sự đồng cảm và phải có lòng thương giữa con người với nhau. Người thầy thuốc còn hơn thế, còn có nghĩa vụ đem sự hiểu biết, sự khéo léo kỹ xảo của mình để cứu bệnh nhân.
Đã đến lúc phải thay đổi lại cách đào tạo con người. Một con người như quan niệm trước đây là vừa “hồng” vừa “chuyên” mới toàn vẹn. Bây giờ giá trị đó vẫn còn cần tôn trọng theo chuẩn mực mới. “Hồng” theo quan niệm mới là phải có lý tưởng, phải yêu thương con người, phải xem sức khỏe, sinh mạng con người là một giá trị không gì có thể thay thế. Các Trường Đại học Y là nơi đào tạo ra không phải chỉ những thầy thuốc giỏi mà trên hết phải là những thầy thuốc yêu người, yêu nghề.
Những thầy thuốc còn chưa nhuốm bẩn lương tâm hãy cảnh giác, đừng vì một phút yếu lòng mà trượt dài trên con đường xa lạ với bản chất tốt đẹp của mình. Những thầy thuốc đã trót sai lầm hãy dừng lại và quay về. Không yêu người, không yêu nghề mà chỉ xem nghề thuốc là phương tiện làm giàu bất kể lương tâm, đạo đức thì một ngày nào đó không xa, những thầy thuốc đó sẽ phải đứng trước tòa án lương tâm và chịu sự trừng phạt của xã hội.